QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

Theo đó, một số điểm mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được quy định như sau:

- Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị đầu tư: Dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư dự án thẩm định làm cơ sở trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt (khoản 10 Điều 6).

- Thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của dự án: Người quyết định đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng của dự án. Chủ đầu tư quyết định sử dụng chi phí dự phòng đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (khoản 4 Điều 7).

- Thẩm quyền điều chỉnh dự toán xây dựng của chủ đầu tư: Trường hợp dự toán xây dựng điều chỉnh do điều chỉnh giá theo chỉ số giá tăng so với chỉ số giá tính trong dự phòng trượt giá nhưng không làm thay đổi giá trị dự toán xây dựng đã được phê duyệt thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh và phê duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư (khoản 3 Điều 11).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong đó, chủ đầu tư có một số quyền như: Chấp thuận các thay đổi biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật do nhà thầu đề xuất nhưng phải đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường theo các thỏa thuận của hợp đồng đã ký kết; chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết và mục tiêu của dự án (Điều 29).



Bình luận



Mục lục